THOMAS COOK SỤP ĐỔ, THÊM CẢNH BÁO TỪ NỀN KINH TẾ SỐ
Ngày 23/9 vừa qua, Thomas Cook - tập đoàn lữ hành và cũng là một đế chế du lịch lâu đời nhất của Anh, chính thức sụp đổ để lại món nợ lên tới 2,1 tỉ USD. Điều ác nghiệt là, Thomas Cook tuyên bố phá sản và ngừng các giao dịch ngay lập tức khiến cho các chuyến bay của hãng và hàng trăm ngàn du khách bị mắc kẹt tại các địa điểm du lịch trên thế giới.
Khi Thomas Cook tuyên bố phá sản và ngưng hoạt động ngay lập tức, hãng du lịch ra đời năm 1841 này vẫn đang sở hữu một cơ sở hạ tầng khá đồ sộ với hơn 600 văn phòng, trụ sở trên khắp nước Anh. Thomas Cook là một trong những "ông trùm" cung cấp tour du lịch trọn gói ở Châu Âu, sở hữu nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hãng hàng không, phục vụ khoảng 19 triệu lượt khách mỗi năm thuộc 16 quốc gia. Lượng khách sử dụng tour của Thomas Cook ở nước ngoài cũng đạt đến 600.000 người.
Cú phá sản của Thomas Cook không phải vì nguyên nhân trực tiếp là không còn khách hàng, mà chủ yếu vì lượng khách và luồng khách khi có những diễn biến giảm theo thời điểm, khiến cho đế chế này ngày càng lún sâu vào nợ nần bởi các chi phí cho cơ sở hạ tầng du lịch offline của họ quá lớn. Khoản nợ 2,1 tỉ USD, nếu không kịp thời cắt lỗ bằng cách tuyên bố phá sản và ngừng hoạt động, có thể sẽ còn phình lên chưa biết đến mức nào.
Nhưng đằng sau sự phá sản của Thomas Cook, của một đế chế kinh doanh dịch vụ du lịch theo mô hình truyền thống, cho thấy phương thức kinh doanh này sẽ ngày càng gặp khó khăn nhiều hơn trước sự cạnh tranh của các mô hình kinh doanh mới, mà cụ thể ở đây chính là phương thức kinh doanh du lịch trực tuyến mà ngày nay các đại lí du lịch trực tuyến (Online Travel Agency – OTA) nhan nhản trên mạng Internet.
Trên thực tế thì, các công ty du lịch, các hãng lữ hành… truyền thống không nhất thiết phải chuyển đổi ngay hoàn toàn 100% sang hoạt động trên nền tảng online mà có thể chuyển đổi theo tỉ lệ thích hợp nhằm hướng đến hiệu quả kinh doanh cao nhất. Tuy nhiên, với Thomas Cook, sự thiếu linh hoạt về mô hình cũng như bỏ qua mô hình, phương thức kinh doanh trực tuyến chính là nguyên nhân lớn nhất đẩy họ tới lỗ lã vì không thể tiết giảm chi phí trong khi nguồn thu giảm mạnh trong những mùa thấp điểm về du lịch.
Trong rất nhiều "viên đạn" mà Thomas Cook bị "găm" vào dẫn đến sự phá sản, có viên đến từ các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến. Ngày nay, những cái tên như Expedia, Booking.com, Airbnb… đã dần quen thuộc với nhiều người đặc biệt là khách du lịch trẻ dễ dàng tìm kiếm các tour từ trọn gói đến tour lẻ từng phần, từ vé máy bay đến phòng khách sạn hay nhà cho thuê ngắn ngày trên khắp thế giới thông qua các nền tảng OTA. Tại nhiều quốc gia, những startup với các website, ứng dụng chuyên về OTA cũng nở rộ, chính là những cánh tay nối dài một khi hợp tác hoặc nhận vốn đầu tư của các "ông lớn" OTA quốc tế.
Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến cái chết của Thomas Cook được chỉ ra là, trong thời đại nền kinh tế số đang bùng nổ mạnh mẽ nhưng hãng vẫn phụ thuộc phần lớn vào các trụ sở và tổng đài dịch vụ thiếu linh hoạt và thiếu lan tỏa đồng thời tốn kém nhiều chi phí, trong khi lại không tập trung xây dựng nền tảng OTA trở thành một "đế chế" du lịch trực tuyến. Hay nói cách khác, Thomas Cook đã hụt hơi trước sự chuyển đổi số trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành, không nhanh chóng thích nghi với sự thay đổi của công nghệ và thị trường, chậm tay nắm bắt cơ hội để nó rơi vào tay những OTA quốc tế.
Cách đây nhiều năm ngay trong lòng nước Mỹ, hãng phim Kodak đã phải phá sản khi công nghệ máy ảnh chụp phim rồi tráng, in ra giấy ảnh đã bị làn sóng phim ảnh kĩ thuật số chôn vùi vào quá khứ. Một thời lừng lẫy như Kodak nhưng không kịp thời nắm bắt xu hướng công nghệ mới để chuyển đổi, giá trị doanh nghiệp hàng chục tỉ USD trở nên tiêu tan…
Tuy nhiên, bài học từ sự phá sản của Kodak cũng chưa ‘tô vẽ" lên hết bức tranh toàn cảnh sự thay thế của các mô hình, phương thức kinh doanh mới dựa trên các nền tảng công nghệ tiên tiến ra đời sau có khả năng thay thế hiệu quả hơn. Kinh tế O2O (online to offline, hay còn gọi là kinh tế ứng dụng, kinh tế Internet, kinh tế số) với hai đại diện điển hình và gần gũi tại thị trường Việt Nam chính là Grab và Uber. Sau khi hai ứng dụng gọi xe này vào thị trường Việt Nam được vài năm, đã lấy đi khoảng 50% thị phần của các hãng taxi truyền thống. Những lợi thế từ nền tảng công nghệ kéo theo các phương thức kinh doanh, tư duy tiếp thị và bán hàng kiểu mới đã làm thay đổi rất nhanh thị trường và lẽ tất nhiên là cả cái cách người tiêu dùng sử dụng và chi tiêu. Với các mô hình kinh tế mới hay các phương thức kinh doanh mới, người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn, được phục vụ và chăm sóc tốt hơn, thì theo lẽ tự nhiên họ sẽ chọn lựa.
Trong khi đó, các doanh nghiệp kinh tế số nói chung và các OTA nói riêng cũng có nhiều cách để thỏa mãn nhu cầu người tiêu dùng hơn. Với sự hỗ trợ của công nghệ mới, họ có thể tìm vào các "ngóc ngách" của hành vi tiêu dùng để phân tích và tìm ra lời giải đáp. Họ cũng có nhiều lựa chọn, và sẽ chọn cách phục vụ mang tới hiệu quả nhất.
Chỉ có những doanh nghiệp như Thomas Cook hay taxi truyền thống như ở Việt Nam, là ngày càng có ít lựa chọn. Thậm chí, như Thomas Cook, không còn lựa chọn nào khác ngoài con đường tuyên bố phá sản.
Theo vnreview